Giao dịch mua bán nhà thu nhập thấp công khai, người dọn đi, dọn về tấp nập, nhưng chủ đầu tư không biết. Cơ quan chức năng, chủ đầu tư thi nhau “đá bóng” trách nhiệm quản lý.
Ba khối nhà thu nhập thấp Kiến Hưng trơ trọi giữa đồng cỏ dại. ảnh: Lê Hữu Việt
“Cò” bủa vây chung cư thu nhập thấp
Để mua được căn hộ thuộc dự án nhà thu nhập thấp (TNT), người có nhu
cầu phải vật vã làm thủ tục với các điều kiện ngặt ngèo. Nhưng giờ đây,
nhiều người đang tìm cách bán lại cho bất kể ai có nhu cầu để hưởng
chênh lệch.
Tại chung cư CT 1 Ngô Thì Nhậm (phường Hà Cầu, Hà Đông, Hà Nội) do
Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư, trong vai một người cần mua nhà TNT,
PV Tiền Phong được một chủ quán nước (dưới chân toà nhà) giới thiệu và
cho số điện thoại chủ hộ tên Hợp (căn hộ số 906). Khi liên hệ, ông Hợp ý
tứ không muốn bán, nhưng vẫn ra giá 1,2 tỷ đồng cho căn hộ 63m2.
Sau khi dò hỏi thêm, một phụ nữ tên Tiến xuất hiện dẫn khách lên phòng
15.07. Chủ nhà tên Phấn ra giá 1,07 tỷ đồng (giá gốc khoảng 600 triệu).
Sau đó, bà Tiến còn dẫn PV lên căn hộ 22.16, diện tích tương tự, giá 1,1
tỷ đồng.
Vào thẳng phòng trực ban của tòa nhà CT1, bảo vệ toà nhà tên Linh cảnh
giác: “Họ phải xem anh có mua thật không. Sợ thanh tra, nhà báo soi”.
Khi hỏi có nhiều người mua bán không, Linh cho biết: “Chắc cũng có. Thấy
người dọn đi, dọn về tấp nập lắm”. Sáng 6/8, liên lạc với Linh, anh này
báo có nhà rao bán, giá 20 triệu đồng/m2. Khi bị từ chối với lý do căn
này mang số 7 sợ xấu, Linh nhiệt tình: “Để em tìm căn khác”.
Tại dự án nhà TNT Kiến Hưng (cũng Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư), 3
tòa nhà chung cư dành cho người TNT trơ trọi giữa khu đất tái định cư
“treo”. Không đèn đường, không trường học, không trạm y tế… Bảo vệ toà
nhà 19T5 ngoài 40 tuổi nói: “Anh cứ để lại số điện thoại, tôi hỏi rồi
báo sau”. Ông cũng không quên quảng cáo có căn hộ 70 m2, cửa sổ hướng
đông, giá 1,2 tỷ đồng.
Tại trung tâm môi giới nhà đất Hai Tâm ngay lối vào khu nhà, nhân viên
tên Tú giới thiệu một căn hộ ở tòa nhà 19T6, nhưng khi gọi điện cho chủ
thì đã bán. Tú tiếp tục gọi cho một đầu mối khác tên Xuân, nhưng căn hộ
cũng đã được bán.
Bỏ rơi các dự án nhà thu nhập thấp?
Một “cò” mua bán nhà TNT tiết lộ mánh lới hợp thức hoá. Nếu đồng ý mua,
2 bên sẽ làm hợp đồng mua bán giấy tay, có sự chứng kiến của bên thứ 3,
cần thiết có thể thuê luật sư. Một phần tiền hợp đồng trích lại gửi
tiết kiệm đứng tên 2 bên để làm phần đảm bảo. Khi nào đến kỳ hạn được
bán (10 năm kể từ ngày giao nhà), xong thủ tục sang tên, 2 bên cùng ra
ngân hàng ký rút tiền trả hết cho người bán.
Cách thứ hai là hợp đồng dưới dạng cho vay cầm cố bằng căn nhà, có sự
đồng ý của ban quản lý, kỳ hạn vay tới lúc nhà được giao dịch. Tới hạn
sẽ sang tên vì chủ nhà không trả được nợ. “Hoàn thành thủ tục có thể vào
ở ngay, nếu có kiểm tra cứ nói là họ hàng của chủ nhà tới trông nhà hộ”
một “cò” tư vấn. Phí môi giới cho một trường hợp giao dịch thành công
là 5 triệu đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Đa, Phó tổng GĐ Vinaconex
Xuân Mai cho biết, chủ đầu tư chỉ có trách nhiệm duy trì hoạt động của
tòa nhà và cung cấp hồ sơ gốc của khách hàng khi cơ quan chức năng kiểm
tra. Việc kiểm tra nhân khẩu, giao dịch mua bán phải do UBND phường và
công an phường thực hiện. “Chúng tôi có người ở ban quản trị toà nhà,
nhưng không thấy báo cáo gì, nên chắc không có chuyện mua bán căn hộ ở
đấy” - ông Đa nói. Tương tự với dự án nhà TNT Kiến Hưng, ông Đa nói
không có việc mua bán. Về thông tin bảo vệ làm “cò” môi giới, ông Đa hứa
sẽ cho kiểm tra.
Đại diện UBND phường Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội) lại cho rằng, việc
quản lý nhân khẩu là trách nhiệm của công an phường. Trung tá Lê Anh
Dũng, Phó trưởng công an phường Hà Cầu cho biết, việc mua đi bán lại nhà
TNT Ngô Thì Nhậm công an phường không phát hiện được vì họ giao dịch
rất tinh vi. “Cái này phải hỏi chủ đầu tư, Ban quản trị tòa nhà, chúng
tôi không có chức năng đó”, trung tá Dũng khẳng định.
Còn đại diện Sở Xây dựng Hà Nội lại nói, chỉ quản lý về mặt chính sách.
“Việc quản lý chính là của chủ đầu tư, ban quản trị tòa nhà”, ông Vũ
Ngọc Đạm, Trưởng phòng Quản lý phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) nói.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam lại cho rằng:
“Việc bán trao tay không đúng đối tượng là phi pháp. Kiểm tra, xử lý là
trách nhiệm của chính quyền địa phương, trước hết là của Sở Xây dựng Hà
Nội. Khi phát hiện, Sở này phải xử lý; nếu không Bộ Xây dựng sẽ cho
thanh tra”.
Chuyên mục tin tức bất động sản
Cập nhật thêm tin tức về thị trường bất động sản tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét