Một dự án đang được triển khai tại một khu "đất vàng" ở quận 1.
Năm 2007, Tập đoàn Vingroup đã nhanh chân chớp cơ hội sở hữu hai khu đất "đắc địa" tại quận 1 để đầu tư hai dự án trung tâm thương mại hạng sang là Vincom A và Vincom B. Trước đó, nhiều nhà đầu tư cũng muốn tham gia nhưng lại chùn bước vì vốn đầu tư quá lớn, dù đây là thời điểm thị trường bất động sản đang ở thời kỳ sáng sủa. Cụ thể, Vincom B nằm trên khu đất có ba mặt tiền hướng ra đường Ðồng Khởi - Lê Thánh Tôn - Lý Tự Trọng. Tập đoàn Vingroup xây dựng đây là tổ hợp trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng căn hộ, bãi đậu xe ngầm. Dự án đưa vào khai thác năm 2010 và hiện là một trong những trung tâm mua sắm hiện đại, giải trí sầm uất, được nhiều người dân thành phố biết đến. Dự án thứ hai là Vincom A, nằm ở bốn mặt tiền giáp đường Ðồng Khởi - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Huệ - Lê Lợi. Quy mô Vincom A gồm sáu tầng ngầm và chín tầng nổi (bao gồm trung tâm thương mại, khách sạn, bãi đỗ xe). Trung tâm thương mại này được đưa vào khai thác từ tháng 10-2012. So với nhiều trung tâm thương mại khác, Vincom A có tỷ lệ lấp đầy cao và quy tụ khoảng 200 thương hiệu đẳng cấp trong nước và quốc tế thuê mặt bằng.
Tháng 6-2013, Tập đoàn Vingroup quyết định bán Vincom A với giá trị gần 10.000 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư. Ðược biết, UBND thành phố vừa chấp thuận chỉ định Tập đoàn Vingroup làm nhà đầu tư thực hiện hai dự án lớn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Ðó là trung tâm tài chính, ngân hàng quốc tế, thương mại, dịch vụ, nhà ở với diện tích khoảng 17 ha. Dự án thứ hai là Khu dân cư thương mại dịch vụ tổng hợp đa chức năng với diện tích khoảng 7,9 ha.
Linh hoạt "chọn mặt gửi vàng"
Ngoài hai dự án trung tâm thương mại của Tập đoàn Vingroup, tháng 4-2012, Bitexco đã khởi công tòa tháp "The One" tại khu đất rộng 8.600 m2 nằm trên bốn tuyến đường Phạm Ngũ Lão - Phó Ðức Chính - Lê Thị Hồng Gấm - Calmette và đối diện chợ Bến Thành (phường Nguyễn Thái Bình, quận 1). Tổng vốn đầu tư ước tính 500 triệu USD. Dự kiến "The One" sẽ hoàn thành vào năm 2015. Dự án Sài Gòn Centre (giai đoạn 2), do Keppel Land làm chủ đầu tư, nằm giáp với ba mặt tiền đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Pasteur cũng đã được khởi công xây dựng với vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Nhìn chung, số lượng khu "đất vàng" chưa được khai thác hiện nay vẫn còn nhiều. Vì vậy, để tạo sức hút đầu tư vào các dự án lớn này, chính quyền thành phố đang nỗ lực kêu gọi nhà đầu tư dưới nhiều hình thức. Sau nhiều năm tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư cho khu "đất vàng" tại 164 Ðồng Khởi (quận 1) không thành công, mới đây, thành phố đã chỉ định liên danh nhà đầu tư gồm Hong Kong Land International Holding Limited (Anh), Sumitomo Realty & Development Co.,Ltd và Toshin Development Co., Ltd (Nhật Bản) thực hiện dự án này. Khu đất số 164 đường Ðồng Khởi có diện tích gần 9.800 m2, giáp với các đường Nguyễn Du, Ðồng Khởi, Lý Tự Trọng và Trường THPT Trần Ðại Nghĩa. Hiện một phần khu đất là trụ sở của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Tương lai đây sẽ là khu thương mại, dịch vụ, văn hóa như văn phòng, khách sạn cao cấp, tài chính, khu trưng bày triển lãm với tổng số vốn đầu tư là 7.168 tỷ đồng, trong đó khoảng 3.412 tỷ đồng là vốn đầu tư xây dựng công trình, còn lại là kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng. Thời gian thực hiện dự án dự kiến khoảng ba năm.
Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng TP Hồ Chí Minh TS Ðinh Thế Hiển, việc thành phố tiến hành chỉ định thầu cho tổ hợp dự án tại khu đất vàng 164 Ðồng Khởi được xem là quyết định mạnh mẽ, quyết đoán trong bối cảnh hiện nay. Với những dự án có quy mô và tính chất đặc biệt, nếu nhà đầu tư đáp ứng được các yếu tố về năng lực tài chính, phương án thi công tốt, cam kết hoàn thành dự án đúng tiến độ thì chỉ định thầu sẽ mở ra nhiều triển vọng. Dù là đấu thầu hay chỉ định thầu thì trước hết phải cần sự minh bạch. Tổ chức đấu thầu là hình thức, công khai, minh bạch, để tìm được nhà đầu tư cho giá tốt nhất đối với những tài sản công. Nhưng đấu thầu chưa hẳn tối ưu vì ngoài vấn đề giá cả, điều quan trọng là nhà đầu tư có thể hình thành được một tổ hợp dự án theo đúng ý đồ quy hoạch hay không. Thành phố từng áp dụng hình thức đấu thầu cho các khu "đất vàng", nhưng thực tiễn cho thấy có sự trì trệ, doanh nghiệp trúng thầu không đủ năng lực thực hiện dự án, trả lại dự án, gây lãng phí lớn. Thời gian qua, thành phố đã kiểm soát chặt tiêu chí đầu tư đã ảnh hưởng không nhỏ đến thu hút đầu tư. Ở khu vực trung tâm, nhà đầu tư nào cũng muốn xây cao tầng, hệ số sử dụng đất cao để bảo đảm lợi nhuận. Tuy nhiên, sức hút đầu tư tại các khu "đất vàng" hiện nay được đánh giá là khá mạnh mẽ và có dấu hiệu khởi sắc khi có sự linh động giữa việc tổ chức đấu thầu và chỉ định thầu. Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, việc kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn vào các dự án cần vốn lớn sẽ gặp nhiều thách thức. Do đó, chính quyền thành phố cần hoàn thiện hơn nữa công tác quy hoạch, tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng, hài hòa lợi ích giữa các bên.
Chuyên mục tin tức bất động sản
Cập nhật thêm tin tức về thị trường bất động sản tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét