Tháo gỡ khó khăn, tạo đà cho thị trường bất động sản phục hồi và
phát triển đang là vấn đề được các nhà đầu tư bất động sản quan tâm.
Ảnh: Thanh Thịnh
Thị trường khó khăn kéo dài những năm gần đây khiến cho cho nhiều doanh
nghiệp bất động sản sống dở chết dở. Nhiều ông chủ lớn, những đại gia
có tiếng trong ngành cũng ngậm ngùi nhìn doanh nghiệp mình chết chìm,
tài sản đội nón ra đi. Mới đây, vị lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm của một
công ty hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đã phải kêu lên rằng nguy
cơ đỗ vỡ của hàng loạt doanh nghiệp trong ngành mới chỉ bắt đầu. Theo
ông nguyên nhân trực tiếp là do không bán được hàng và đằng sau đó là
các chính sách hỗ trợ thị trường vẫn đang nằm trên giấy.
Thực tế cho thấy khó khăn của thị trường bất động sản đã tác động lớn
đến nhiều lĩnh vực khác của nền kinh tế. Cục máu đông nợ xấu trong ngân
hàng gần như chiếm chủ yếu trong bất động sản. Hàng tồn kho hàng trăm
nghìn tỷ đồng khiến cho doanh nghiệp nợ không có khả năng chi trả. Từ đó
dòng tín dụng trong nền kinh tế cũng bị nghẽn lại.
Ý thức được điều đó, từ cuối năm 2012 đến nay nhiều chính sách vĩ mô
được ban hành dồn dập để hỗ trợ thị trường và tháo gỡ khó khăn cho các
doanh nghiệp, cũng như kích thích người dân mua nhà. Nghị quyết 02 được
ban hành hồi tháng 1/2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản
xuất - kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản, giải quyết nợ xấu.
Trong đó, Chính phủ giao cho NHNN chủ trì việc dành một lượng vốn hợp lý
(tối thiểu khoảng 3% tổng dư nợ của các ngân hàng thương mại nhà nước)
hỗ trợ thị trường. Đến tháng 5/2013, Chính phủ thông qua gói 30 nghìn tỷ
đồng để cho vay hỗ trợ nhà ở với lãi suất 6%/năm. Giữa tháng 6/2013,
Quốc hội cũng đã thông qua việc áp thuế VAT 5% đối với nhà ở xã hội kể
từ ngày 1/7, đồng thời giảm 50% thuế VAT từ ngày 1/7/2013 đến 30/6/2014
đối với nhà ở thương mại dưới 70 m2 và có giá bán dưới 15 triệu đồng/m2.
Mặc dù nhiều chính sách được đưa ra quyết liệt và mang tính đột phá
nhằm phục hồi thị trường nhưng nhiều ý kiến cho rằng bất động sản vẫn
khó khăn thì mục tiêu này vẫn chưa đến hoặc chưa trúng đích. Thực tế là
nhiều chính sách bị loay hoay khi áp dụng vào thực tiễn. Điển hình như
gói hỗ trợ tín dụng 30 nghìn tỷ đồng những tưởng sẽ kích thích thị
trường, song đến nay số người vay vốn vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Độ
trễ của chính sách vĩ mô đối với thị trường bất động sản đang khiến cho
cả doanh nghiệp, người dân trở nên sốt ruột hơn bao giờ hết. Trong khi
hàng tồn kho không bán được, doanh nghiệp vẫn nối đuôi nhau phá sản hoặc
dính líu đến pháp luật thì người dân vẫn không thể mua được nhà.
Khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp bất động sản, do đó tình hình kinh
tế vĩ mô và chính sách hỗ trợ thị trường chính là “điểm tựa” để thị
trường bất động có cơ hội ấm lên. Song để những giải pháp hành chính
thực sự trở thành “đòn bẫy” phá tan khối băng bất động sản cần phải có
sự quyết liệt và tích cực của nhiều bên.
Chuyên mục tin tức bất động sản
Cập nhật thêm tin tức về thị trường bất động sản tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét