Được sinh ra với sự đón nhận hồ hởi và kỳ vọng của nhiều thành viên thị trường, nhưng khi bước chân vào đời, “đứa con chung” 30.000 tỷ đồng lại làm đau đầu “các bậc sinh thành”.
Báo cáo kết quả triển khai gói 30.000 tỷ đồng với Chính phủ, Bộ Xây dựng cho biết, tính đến trung tuần tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giải ngân được khoảng 11 tỷ đồng cho 56 khách hàng cá nhân và đã xác nhận đăng ký hợp đồng cho vay 675 tỷ đồng cho 2 doanh nghiệp là CTCP Vicoland xây dựng dự án nhà ở xã hội tại tỉnh Thừa Thiên - Huế và CTCP Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ địa ốc Hoàng Quân xây dựng dự án chuyển đổi sang nhà ở xã hội tại TP. HCM.
Do gặp nhiều vướng mắc, nên sau gần 2 tháng triển khai, dòng vốn từ gói 30.000 tỷ đồng được bơm vào thị trường rất nhỏ giọt
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (Horea),
đây là một kết quả gây thất vọng, nhất là khi nhu cầu vay vốn ưu đãi
lãi suất để tạo lập chỗ ở của xã hội là rất lớn. Nguyên nhân của tình
trạng này theo ông Châu là do thiếu sự minh bạch và thống nhất về thủ
tục, điều kiện để được vay mua nhà. Trước đó, đại diện cho Horea, ông
Châu cũng cho rằng, xây dựng nhà ở xã hội rất đáng hoan nghênh, nhưng
phải sử dụng nguồn vốn khác. Mục tiêu của Nghị quyết 02 là giải quyết
hàng tồn kho, nhất là các công trình nhà ở xã hội, nhà ở thương mại quy
mô vừa và nhỏ chưa bán được, hoặc đang xây dựng dở dang. Trong khi đó,
thời gian qua, có rất nhiều dự án nhà ở xã hội khởi công mới trông vào
nguồn vốn từ gói 30.000 tỷ đồng. Như vậy, việc triển khai gói hỗ trợ này
đang có sự chệch mục tiêu ban đầu.Tuy nhiên, ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, Nghị quyết 02 đã quy định rõ đối tượng được vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng là hộ gia đình, cá nhân vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; thuê mua nhà ở thương mại có diện tích nhỏ hơn 70 m2 và giá bán dưới 15 triệu đồng/m2. Đồng thời, Nghị quyết cũng quy định đối tượng vay vốn là doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, doanh nghiệp chuyển đổi công năng từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.
“Đến nay, chưa phát hiện một trường hợp nào cho vay sai đối tượng và điều kiện quy định của pháp luật”, ông Nam khẳng định và cho biết, hầu hết ý kiến của ông Châu đều không có cơ sở.
Liên quan đến kiến nghị của Horea, NHNN cũng đã có công văn phúc đáp. Theo NHNN, Nghị quyết 02 không đề cập đến vấn đề giải cứu thị trường bất động sản hay giải phóng hàng tồn kho, mà đề ra giải pháp nhằm hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng có khó khăn về nhà ở. Thực hiện tốt mục tiêu chính là hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng này sẽ góp phần giải phóng hàng tồn kho, qua đó tác động tích cực và lan tỏa tới thị trường bất động sản.
Chưa nhắm vào hàng tồn kho
Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đều không muốn bình luận về đúng sai trong việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng, bởi các lập luận đều có những lý lẽ riêng. Tuy nhiên, hầu hết đều cho rằng, việc triển khai gói 30.000 tỷ đồng thời gian qua vẫn còn nhiều bất cập.
Xét ở góc độ người dân tiếp cận nguồn vốn vay để mua nhà, ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, việc cho người nghèo vay tiền để mua nhà là câu chuyện lớn, đòi hỏi cả một nghệ thuật, bởi ít có người nghèo nào chứng minh được khả năng trả nợ. Bên cạnh đó, những vấn đề còn rất mù mờ khác như cơ quan xác nhận tình trạng nhà ở, xác nhận thu nhập… khiến cho việc triển khai chưa hiệu quả.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp, gói 30.000 tỷ đồng chưa thực sự có ý nghĩa trong việc giải quyết hàng tồn kho. Đại diện một doanh nghiệp bất động sản ở TP. HCM cho rằng, phần lớn lượng hàng tồn kho bất động sản hiện nay tập trung ở những dự án xây dựng dở dang, nhưng việc triển khai gói tín dụng lại không nhắm vào phân khúc này.
“Nhiều doanh nghiệp địa ốc thời gian qua dù rất khó khăn, nhưng không trông đợi sự hỗ trợ, mà tự tìm cách giải quyết bằng việc đưa ra các chính sách cạnh tranh với gói 30.000 tỷ đồng”, vị giám đốc này cho biết.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, gói 30.000 tỷ đồng chưa nhắm vào hàng tồn kho, bởi hàng tồn kho chủ yếu là ở các dự án đang dở dang, nhưng các dự án này không thể nào tiếp cận được nguồn vốn này. Trong khi đó, nhiều dự án mới (không phải hàng tồn kho) lại được tiếp cận với gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng và rầm rộ khởi công thời gian qua.
Chuyên mục tin tức bất động sản
Cập nhật thêm tin tức về thị trường bất động sản tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét