Thành lập vào năm 1997 từ một phòng khám tư quy mô nhỏ, đến nay Tập đoàn Hoàn Mỹ đã xây dựng một hệ thống y tế tư nhân hùng mạnh với 10 bệnh viện và phòng khám tại TPHCM, Cà Mau, Cần Thơ, Đà Nẵng, Huế, với doanh thu hàng năm trên 700 tỷ đồng.
Giữa năm 2011, Hoàn Mỹ đã thực hiện thương vụ M&A đình đám khi bán 65% cổ phần cho Tập đoàn Fortis (Ấn Độ) với giá 64 triệu USD. Việc bắt tay với Fortis Healthcare International, một tập đoàn quốc tế hoạt động trong lĩnh vực y tế có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm quản lý, công nghệ tiên tiến đã mở ra nhiều cơ hội cho định hướng phát triển là mở rộng hệ thống của Hoàn Mỹ.
Phòng khám quốc tế Hoàn Mỹ Huế là một trong số những cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hoàn Mỹ. Trong khi các cơ sở khác có vẻ ăn nên làm ra, tình hình kinh doanh của Hoàn Mỹ Huế đang rơi vào tình trạng bết bát và đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Ông Trần Đức Thái, Giám đốc Hoàn Mỹ Huế, cho biết: “Mấy năm nay Hoàn Mỹ Huế kinh doanh lỗ, doanh thu chỉ để trả lương cho gần 30 cán bộ công nhân viên. Dự kiến trong tháng 9 này Hoàn Mỹ Huế sẽ đóng cửa, nhưng đang lấn cấn việc chuyển những trường hợp khám bảo hiểm y tế sang nơi khác nên cơ quan chức năng chưa cho phép đóng cửa. Việc đóng cửa hiện nay chúng tôi đang chờ quyết định của HĐQT tập đoàn”.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế hiện nay, việc phá sản là chuyện bình thường. Thế nhưng, câu chuyện đóng cửa, ngừng hoạt động tại Hoàn Mỹ Huế lại bất bình thường. Năm 2011, IMG đã cho Hoàn Mỹ Huế thuê mặt bằng tại địa chỉ 38 Phạm Văn Đồng, Vĩ Dạ (Huế) làm nơi hoạt động khám chữa bệnh, giá thuê 592.198.400 đồng/tháng.
Trong suốt thời gian thuê, Hoàn Mỹ Huế thường xuyên chậm trễ thanh toán tiền thuê, năm 2012 thanh toán chia nhỏ thành nhiều đợt, năm 2013 chưa thanh toán bất kỳ khoản tiền nào.
Ông V. Đ. Tùng, Giám đốc Công ty IMG, bức xúc: “Chúng tôi đang thắc mắc sự trùng hợp đáng ngờ khi Hoàn Mỹ Huế tuyên bố phá sản khi Tập đoàn Fortis bán hết cổ phần đang sở hữu tại Hoàn Mỹ cho Quỹ đầu tư Chandler (Singapore). Fortis bán được 80 triệu USD, tức kiếm lời 16 triệu USD sau 2 năm đầu tư vào Hoàn Mỹ. Với lợi nhuận đáng kể như vậy, tại sao họ không chịu trả nợ cho IMG?”.
Trong đơn “kêu cứu” gởi tới các cơ quan chức năng gồm Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Cục Đầu tư Nước ngoài và Sở Kế hoạch - Đầu tư TPHCM, IMG cho rằng đây là một trong những hành vi cố ý chiếm đoạt tài sản của doanh nghiệp nước ngoài đối với doanh nghiệp trong nước.
IMG đã đề nghị các cơ quan trên hỗ trợ bằng cách không cho phép Fortis chuyển nhượng cổ phần cho Quỹ đầu tư Chandler, chờ thanh toán các khoản nợ của Hoàn Mỹ Huế cho IMG. Bởi nếu Hoàn Mỹ Huế phá sản, Fortis hoàn tất việc bán cổ phần, rút vốn xem như khoản nợ treo lơ lửng.
Theo ông Tùng, trong trường hợp Hoàn Mỹ đơn phương chấm dứt hợp đồng, phải thanh toán cho IMG 36 tỷ đồng. Trong đó tiền thuê mặt bằng tính đến ngày 28-8-2013 là 9,6 tỷ đồng, tiền Hoàn Mỹ Huế thanh toán cho IMG 12 tháng do đơn phương chấm dứt hợp đồng 8,6 tỷ đồng và 15 tỷ đồng để tái lập mặt bằng và các chi phí khác”.
Theo luật sư Nguyễn Văn Trường, Trưởng Văn phòng Luật sư Trường - Đoàn Luật sư TPHCM, xét về lý thuyết, dù Hoàn Mỹ có bán toàn bộ cổ phần cho một đối tác nào, thì đối tác đó vẫn phải kế thừa nghĩa vụ đối với IMG. Việc IMG sớm kiện tụng hoặc sớm có những văn bản buộc các bên đối tác của Hoàn Mỹ phải cam kết thực hiện nghĩa vụ là việc cần làm ngay để bảo vệ quyền lợi của mình.
Chuyên mục tin tức bất động sản
Cập nhật thêm tin tức về thị trường bất động sản tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét