Bất chấp các quy định pháp luật hiện hành, nhiều chủ đầu tư bất động sản tìm cách “lách” để cứu vốn; khách hàng ham rẻ sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề tranh chấp pháp lý, thậm chí thua thiệt.
Bất động sản đóng băng, dùng đủ “chiêu” lách luật, khách hàng nên thận trọng. Ảnh: LHV.
Đủ “chiêu” lách luật
Để vượt cơn “bĩ cực” bất động sản đóng băng, thời gian gần đây một số
chủ đầu tư nhà ở tìm cách lách luật để huy động vốn từ khách hàng: Thông
báo huy động vốn vượt quá 70% giá trị hợp đồng khi chưa bàn giao nhà
(trái Luật Nhà ở). Một số dự án đã lách, như: Sky Garden Định Công
(Hoàng Mai, HN) thu 80% giá trị hợp đồng khi hoàn thành xây thô, 20% còn
lại khách nộp khi nhận nhà; Đình Tower (Thanh Xuân, HN) thu 95% khi
hoàn thành căn hộ phần thô, 5% khi nhận nhà; Hà Đô Park View (Cầu Giấy,
HN) thu 80% khi xong phần thô, 10% hoàn thiện mặt ngoài tòa nhà, 10% khi
nhận nhà…
Cũng vì lý do này, cuối năm 2012, khách hàng và chủ đầu tư dự án Văn
Phú Victoria (Hà Đông, HN) từng xảy ra tranh cãi pháp lý. Theo hợp đồng,
chủ đầu tư yêu cầu khách hàng nộp hơn 90% giá trị căn hộ khi xây xong
phần thô.
Không chỉ huy động vốn vượt quá quy định, nhiều đơn vị tìm cách “chia”
nhỏ căn hộ lớn thành 2 hộ cùng chung một sổ hồng (giấy chứng nhận quyền
sở hữu nhà ở). Cách làm này đáp ứng nhu cầu người thu nhập thấp cần nhà
ở, lách quy định diện tích căn hộ thương mại không được thấp hơn 45m2
của Luật Xây dựng.
Theo chủ một doanh nghiệp (xin không nêu tên) đang thực hiện cách này,
những khách hàng lựa chọn căn hộ kiểu chia nhỏ thường là mua để ở. Họ
không có nhu cầu thế chấp, chỉ cần có sổ để yên tâm về mặt sở hữu, nên
chấp nhận chung sổ hồng với hộ bên cạnh. Khi nào có quy định cấp sổ cho
diện tích nhỏ hơn 45m2 sẽ tách sổ. “Hai hộ chung sổ có thể là quen nhau,
hoặc chủ đầu tư đứng ra làm “mối” để họ thỏa thuận, trên cơ sở tin
tưởng nhau. Cái này chính quyền cấm, nhưng nhiều đơn vị vẫn lặng lẽ
làm”, vị này nói.
Một cách khác là chuyển đổi phần cho thuê thương mại, văn phòng thành
nhà ở. Một số sàn giao dịch bất động sản vẫn đang chào bán căn hộ diện
tích nhỏ 30-40m2/căn, giá chỉ 9,5-11 triệu đồng/m2 ở chung cư Nam Xa La
(Hà Đông, HN). Những căn này đều ở tầng 1, 2, 3 vốn được cấp phép làm
sàn thương mại cho thuê. Chị Kiều Oanh, nhân viên môi giới sàn bất động
sản Lanmak giải thích, vì chuyển đổi từ sàn thương mại sang căn hộ nhỏ
để bán nên chỉ có ở tầng 2, 3.
“Chủ đầu tư đang xin chuyển đổi nên nhà chưa có sổ. Khách ký hợp đồng
với chủ đầu tư, khi nào có hướng dẫn sẽ làm sổ sau”, chị Oanh nói. Theo
nhân viên này, những căn hộ này chỉ bán cho cán bộ nhân viên trong công
ty, nhưng họ không có nhu cầu nên bán.
“Khi nhận nhà, khách chỉ phải đóng 65% giá trị hợp đồng, 35% còn lại sẽ
đóng rải rác thành nhiều đợt trong 2 năm sau đó. Đấy cũng là thời gian
để chủ đầu tư làm thủ tục chuyển đổi công năng sử dụng”, chị Oanh nói.
Theo đó, đã có một số người mua 2 căn rồi đập tường thông nhau để thành
một căn lớn. Thậm chí, vì thiết kế ban đầu là sàn thương mại nên trần
cao 4m, khách hàng có thể lắp thêm gác xép.
Rủi ro luôn ở phía khách hàng
Trả lời Tiền Phong, ông Vũ Văn Giản, Tổng Giám đốc Cty Đầu tư Kinh
doanh và Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Phúc Hà (chủ đầu tư dự án
Nam Xa La) khẳng định: “Không có việc chia nhỏ tầng cho thuê thương mại
thành nhà ở để bán. Ngoài thị trường thông tin vô cùng, chúng tôi kiểm
soát sao được”. Đại diện chủ đầu tư cam đoan phần diện tích các tầng 2,3
vẫn là sàn thương mại, văn phòng cho thuê.
Về vấn đề huy động vốn của khách hàng vượt quá 70% như quy định của
Luật Nhà ở, ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng Quản lý Nhà và Thị
trường Bất động sản (Sở Xây dựng Hà Nội), cho rằng, đấy là vấn đề hợp
đồng thỏa thuận dân sự giữa người mua và người bán. “Chủ đầu tư thu quá,
nhưng vấn đề người mua có nộp hay không. Nếu không phải hợp đồng mua
bán chủ đầu tư có thể thu hơn. Nếu hợp đồng mua bán phải do Thanh tra Sở
kiểm tra mới kết luận đúng sai”, ông Hiền nói. Theo ông, có loại tên
hợp đồng mua bán, nhưng nội dung bên trong chưa chắc là mua bán.
Cục trưởng Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) Nguyễn
Mạnh Hà, khẳng định: “Trước khi bàn giao nhà, chủ đầu tư huy động tiền
từ khách hàng vượt quá 70% giá trị hợp đồng là không đúng quy định”. Còn
việc chủ đầu tư tự ý chia nhỏ căn hộ để bán và chung một sổ hồng, ông
Hà nói chưa nắm được. “Dự án nằm ở địa phương nào thì cơ quan chức năng
địa phương đấy phải kiểm tra xử lý. Các quy định pháp luật đều phân cấp
rõ”, ông Hà cho biết.
Ông Trần Viết Ngôn, Phó chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng,
việc chia nhỏ căn hộ, thay đổi kết cấu căn hộ phải được đồng ý của cơ
quan cấp phép. Nếu chủ đầu tư cố tình làm, người mua sẽ không được cấp
sổ hồng.
Chuyên mục tin tức bất động sản
Cập nhật thêm tin tức về thị trường bất động sản tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét