Nhiều ý kiến ủng hộ vì điều này không làm hạn chế quyền lợi người mua. “Chắc chắn giá thành căn hộ chung cư có
thời hạn 70 năm sẽ không giảm so với giá hiện nay nhưng vẫn nên quy định
thời hạn sở hữu chung cư trong luật vì nhiều lợi ích khác” - ông Lê Hữu
Nghĩa, Giám đốc Công ty Lê Thành, có ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở sửa
đổi (xem Pháp Luật TP.HCM ngày 25-9). Quan điểm này nhận được sự đồng tình của nhiều chủ đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước.
Sở hữu 70 năm không khác lâu dài
Hiện tại TP đã có một số dự án chung cư
có quy định thời hạn sở hữu. Chẳng hạn, Công ty Lê Thành đang thí điểm
hình thức cho thuê căn hộ trong 49 năm với giá 350 triệu đồng. Một số dự
án khác cũng cho thuê đơn giá tính theo tháng, trong thời hạn 6-12 năm
như dự án Beehome của chủ đầu tư C.T Group. Ông Nghĩa cho hay sở dĩ căn
hộ 49 năm có giá thấp là do không phân bổ giá trị của đất vào giá thành
sản phẩm.
“Sau 49 năm, công ty lại cho khách hàng
thuê tiếp. Trong khi đó, nếu bán căn hộ thời hạn 70 năm thì chắc chắn
chủ đầu tư sẽ phân bổ giá trị đất vào trong giá sản phẩm. Khi đó giá căn
hộ cũng không thể giảm được” - ông Nghĩa phân tích.
Việc quy định thời hạn sở hữu chung
cư đáp ứng được yêu cầu chỉnh trang bộ mặt đô thị khi chung cư hết tuổi
thọ, xuống cấp, cần phải tháo dỡ. Ảnh: HTD
Đồng quan điểm, ông Lê Ngọc Tú, Giám đốc
Công ty Nhà Bình Dân, cũng cho rằng quy định sở hữu căn hộ trong 70 năm
cũng không khác gì thời hạn sử dụng lâu dài. Do đó giá căn hộ cũng sẽ
tương đương căn hộ không quy định thời hạn. Tuy nhiên, ông Tú lo ngại
khách hàng không thích loại hình căn hộ này, bởi tâm lý của người Việt
Nam là thích sở hữu nhà đất lâu dài để truyền lại cho đời con, đời cháu.
“Trong giai đoạn đầu giao dịch căn hộ có
thể sẽ khựng lại một chút do khách hàng chưa quen hình thức sở hữu nhà
có thời hạn. Tuy nhiên, khi điều này trở thành phổ biến trong xã hội,
người ta cũng sẽ quen dần và chấp nhận được” - ông nhận định.
Ông Hoàng Mạnh Thắng, Phó phòng Công
chứng số 7, thì cho rằng thời hạn 70 năm là khá dài. Bởi chất lượng
chung cư chỉ khoảng 50 năm là đã xuống cấp nặng, hệ thống hạ tầng không
đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của cư dân. Theo ông Thắng, điều quan
trọng không phải là quy định sở hữu căn hộ trong thời hạn bao lâu mà là
chế độ, chính sách giải quyết cho người dân sau thời gian đó ra sao.
“Không có việc mất trắng toàn bộ căn hộ khi hết hạn mà người mua sẽ được
hưởng những chính sách, quyền lợi về chỗ ở mới” - ông Thắng lưu ý.
Giải quyết được hệ quả khi chung cư hết “đát”
Theo ông Nghĩa, điều được nhất của việc
quy định sở hữu căn hộ có thời hạn là đáp ứng được yêu cầu chỉnh trang
bộ mặt đô thị khi chung cư hết tuổi thọ, cần phải tháo dỡ. “Trên thế
giới không ai quy định căn hộ chung cư là sở hữu vĩnh viễn. Luật cần quy
định rõ về trường hợp nhà ở riêng lẻ và chung cư hết thời hạn thì sẽ
được giải quyết ra sao” - ông góp ý.
Trưởng phòng Quản lý đô thị quận 11, ông
Võ Xuân Quang, cho biết thực tế tháo dỡ chung cư cũ để xây mới không mấy
khó khăn nếu chính sách bồi thường hỗ trợ và tái định cư thỏa đáng. Ông
Quang cũng ủng hộ việc luật hóa quy định thời hạn sở hữu chung cư.
“Chung cư có nghĩa là nhà chung của nhiều người, người sở hữu căn hộ
chung cư bị một số hạn chế là tất yếu. Chung cư có tuổi thọ nên sở hữu
căn hộ có thời hạn cũng là hợp lý” - ông Quang góp ý.
Ông Quang cũng cho hay vì không có quy
định tuổi thọ, thời hạn của chung cư nên khi một chung cư cũ xuống cấp
cần được tháo dỡ thì trước nay chỉ dựa vào căn cứ là “công trình có nguy
cơ sụp đổ”. Tuy nhiên, việc xác định công trình có nguy cơ sụp đổ hiện
cũng chưa được rõ như cơ chế, cấp nào xác nhận, nguy cơ tới đâu… “Do
vậy, việc luật quy định sở hữu căn hộ có thời hạn là một biện pháp để
bảo vệ quyền lợi của người mua chứ không phải là giảm quyền lợi của họ” -
ông Quang nhấn mạnh.
Nguồn: http://cafeland.vn/tin-tuc/ung-ho-quy-dinh-thoi-han-so-huu-chung-cu-39994.html
Thông tin vị trí bất động sản
Thông tin vị trí bất động sản
Chuyên mục tin tức bất động sản
Cập nhật thêm tin tức về thị trường bất động sản tại đây
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét